Trong nhiều khu nhà xưởng tại cụm công nghiệp Đồng Kỵ (TX Từ Sơn) giờ đây, những chiếc máy vi tính hiện đại đặt bên chiếc máy xẻ, máy đục đã không còn xa lạ. Anh Nguyễn Văn Hào, chủ một xưởng gỗ cho biết: “Thay vì phải bỏ nhiều công sức để đục thủ công như trước kia, với chiếc máy này, chúng tôi chỉ cần một thao tác nhấp chuột đã có thể cho ra sản phẩm đồng đều, mức độ chính xác cao theo bản mẫu”.
 
Theo anh Hào, từ bản thiết kế được đồ họa sẵn, một chiếc máy đục vi tính với 4 mũi kim có thể cho ra 8 tấm gỗ đục chi tiết cỡ vừa, trong khi nếu làm bằng tay chỉ được 2 chiếc. Kể từ khi có các loại máy này, nhà anh đã bớt được công lao động, năng suất tăng lên trong khi nguyên liệu lại tiết kiệm hơn. Hiện anh đã đầu tư 3 chiếc máy đục vi tính với kích thước khác nhau và chỉ chuyên đảm nhận khâu đục chi tiết các sản phẩm gỗ.
 
Được biết, làng nghề Đồng Kỵ hiện có hơn 1000 máy xẻ gỗ vi tính, gần 1000 máy đục vi tính... Trước đây, các hộ phải mua máy từ Trung Quốc với giá hơn 250 triệu một chiếc, nhưng hiện nay, một số máy được lắp ráp  tại Việt Nam với giá thành giảm đáng kể.  Đơn giản hơn các loại máy có ứng dụng công nghệ thông tin, những chiếc máy bào, máy đánh bóng gỗ hay máy chẻ lạt của làng nghề mây tre đan ở Lạc Vệ (Tiên Du), máy dập tranh đồng ở làng nghề Đại Bái (Gia Bình)… được mua từ các nhà sản xuất trong nước cũng đem lại hiệu suất lao động lớn. Sản phẩm làm từ máy ngày càng tinh xảo, qua đó, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại, năm 2013, giá trị sản xuất của làng nghề toàn tỉnh ước đạt 8.270 tỷ đồng, trong đó điển hình là nghề đồ gỗ mỹ nghệ của TX Từ Sơn đạt gần 2000 tỷ đồng.
 
 
 
Theo đánh giá của ông Vũ Kim Giáp, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Bắc Ninh, mặc dù người dân đã có ý thức cải tiến máy móc, nhưng nhìn chung công nghệ sản xuất ở phần lớn các làng nghề hiện nay còn hạn chế, thiên về bán cơ giới là chính. Nguyên nhân là do làng nghề có nhiều loại máy móc đặc thù, trong đó, giá thành của các loại thiết bị khá cao mà cá thể từng hộ khó có thể đầu tư đồng bộ. Một số các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như gốm, gỗ, tranh  vẫn đòi hỏi sự tinh xảo, “độc đáo” với bàn tay của con người để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, so với các chính sách áp dụng cho cơ giới hóa nông nghiệp, việc hỗ trợ đổi mới thiết bị và công nghệ ở làng nghề là rất khó. Chưa kể, nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, phân tán trong các khu dân cư, thiếu sự liên kết khép kín các khâu: sản xuất, chế biến, tiêu thụ… nên khó khăn cho việc  áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, xử lý môi trường.
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh tại một số làng nghề, nguồn nguyên liệu dần khan hiếm, lao động được thu hút vào khu công nghiệp và đặc biệt tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến nghiêm trọng thì vấn đề đổi mới công nghệ sản xuất lại càng trở nên bức thiết. Vì vậy, theo ông Giáp, điều kiện để giải quyết vấn đề này là các cơ sở sản xuất phải được tập trung tại cụm, khu công nghiệp làng nghề. Qua đó, thay vì cá thể các hộ mua đủ máy móc cho mọi công đoạn, việc chuyên môn hóa trong từng khâu sản xuất do hộ, nhóm hộ có vốn đầu tư và kinh nghiệm vận hành thiết bị sẽ cho hiệu quả cao hơn. Điển hình như tại làng nghề Đồng Kỵ, từ khoảng 5 năm nay, các khâu như xẻ gỗ, đục đã được sản xuất và phát triển theo hướng dịch vụ. Đồng thời, các cơ sở sản xuất cũng như cá nhân người lao động phải nâng cao kiến thức sử dụng, vận hành các loại máy móc cơ giới. Đó cũng là cơ sở để hiện đại hóa làng nghề và đưa sản phẩm làng nghề vươn ra những thị trường lớn mạnh hơn.
 
Theo Bắc Ninh online